Xuất khẩu tiếp tục là động lực cho hoạt động thương mại khi tăng trưởng 23,8% trong tháng 3.

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/4, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2025 tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực, bất chấp bối cảnh thương mại toàn cầu còn nhiều biến động.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2025 đạt 75,39 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung quý 1/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 3,16 tỷ USD, thấp hơn mức 7,7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh Internet

Xuất khẩu giữ vị trí chủ lực

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2025 đạt 38,51 tỷ USD, tăng 23,8% so với tháng trước. Khu vực kinh tế trong nước đóng góp 11,08 tỷ USD (tăng 32,1%), trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI, kể cả dầu thô) đạt 27,43 tỷ USD (tăng 20,7%).

Tính chung ba tháng đầu năm, xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 29,02 tỷ USD (tăng 15%), chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực FDI đạt 73,82 tỷ USD (tăng 9%), chiếm 71,8%.

Đáng chú ý, trong quý I có 18 mặt hàng xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 5 mặt hàng vượt 5 tỷ USD.

Về cơ cấu nhóm hàng, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất với 90,92 tỷ USD (88,4%). Tiếp theo là nhóm hàng nông, lâm sản đạt 8,86 tỷ USD (8,6%), thủy sản 2,31 tỷ USD (2,3%) và nhiên liệu, khoáng sản đạt 0,75 tỷ USD (0,7%).

Nhập khẩu phục hồi mạnh

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2025 đạt 36,88 tỷ USD, tăng 12,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực trong nước đạt 13,98 tỷ USD (tăng 17,8%), khu vực FDI đạt 22,9 tỷ USD (tăng 10,1%).

Lũy kế quý I, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 99,68 tỷ USD. Khu vực trong nước đạt 36,78 tỷ USD (tăng 19,3%), khu vực FDI đạt 62,9 tỷ USD (tăng 15,8%).

Có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 77,2% tổng kim ngạch; trong đó 2 mặt hàng có trị giá nhập khẩu trên 5 tỷ USD.

Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu, tương ứng 93,51 tỷ USD. Riêng nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 50,8%; nguyên vật liệu, nhiên liệu chiếm 43%. Hàng tiêu dùng đạt 6,17 tỷ USD, chiếm 6,2%.

Thị trường xuất, nhập khẩu

Về thị trường, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2025 với kim ngạch đạt 31,4 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 38,1 tỷ USD.

Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 27,3 tỷ USD (tăng 22,1%), EU 9,9 tỷ USD (tăng 15,7%) và Nhật Bản 0,6 tỷ USD (gấp hơn 5 lần cùng kỳ). Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc 24,9 tỷ USD (tăng 43,3%), Hàn Quốc 7,1 tỷ USD (tăng 14,4%), ASEAN 3,8 tỷ USD (tăng 83,2%).

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,76 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu từ nước ngoài FDI xuất siêu 10,92 tỷ USD.

Xuất khẩu dịch vụ tăng 21,7%

Ngoài hàng hóa, quý I/2025 cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh trong hoạt động xuất nhập khẩu dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 7,58 tỷ USD (tăng 21,7%), trong đó dịch vụ du lịch chiếm 55,4% (4,2 tỷ USD), vận tải chiếm 26,4% (2 tỷ USD).

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu dịch vụ đạt 9,22 tỷ USD (tăng 18%), trong đó vận tải chiếm 40,5% (3,73 tỷ USD) và du lịch chiếm 36,9% (3,4 tỷ USD). Nhập siêu dịch vụ trong quý I/2025 là 1,64 tỷ USD.