Thỏa thuận đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng, với sự tham gia của các nước Mỹ, Nhật Bản và các nền kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/2/2024.

Thỏa thuận ổn định chuỗi cung ứng giữa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã có hiệu lực
Quá trình đàm phán IPEF giữa các nước

Thỏa thuận về việc bảo đảm chuỗi cung ứng được các bên nhất trí từ tháng 5/2023 và ký kết tháng 11/2023. Đây là thỏa thuận đầu tiên có hiệu lực trong số các thỏa thuận mà các nước đã nhất trí nhằm hạn chế các rủi ro về sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.

Theo thỏa thuận, các nước phải xác định rõ các lĩnh vực và hàng hóa thiết yếu trong quá trình xây dựng các kế hoạch hành động, cung cấp các khuyến nghị nhằm tăng cường tính ổn định và cạnh tranh cho những danh mục này.

Các nước tham gia đàm phán IPEF cũng sẽ thành lập Mạng lưới ứng phó khủng hoảng chuỗi cung ứng, cung cấp kênh liên lạc khẩn cấp và tăng cường trao đổi thông tin, cung cấp nền tảng để yêu cầu và đề nghị hỗ trợ trong ứng phó với các gián đoạn chuỗi cung ứng.

IPEF hiện gồm 14 nước tham gia đàm phán, chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, bao gồm Australia, Ấn Độ, Brunei, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam. Các nước đã đạt thỏa thuận trong hầu hết mọi trụ cột, ngoại trừ trao đổi thương mại.

Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (tiếng Anh là: Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity(IPEF). Đây là một sáng kiến kinh tế do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đưa ra vào ngày 23 tháng 5 năm 2022.

Bốn chủ đề của IPEF được đề xuất là:

  1. Thương mại hồi phục và công bằng

  2. Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng

  3. Cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và khử cacbon

  4. Thuế và chống tham nhũng.

Xem thêm: Mục tiêu chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050