Cần sớm cụ thể hóa giấc mơ về trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế tại TP.HCM và khu vực. VIệc hoàn thành cảng quốc tế Cần Giờ sẽ giúp thu hút các hãng tàu, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Ngày 26/11, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Ban chỉ đạo.
Tại Hội nghị này, Thủ tướng đã dành sự quan tâm lớn cho Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – Công trình dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2027, dự kiến tạo ra hơn 8.000 việc làm và đóng góp trực tiếp vào ngân sách quốc gia khi được đầu tư hoàn chỉnh.
Cơ hội lịch sử
Theo thủ tướng, trong các dự án đã được quy hoạch trước đây, cảng Cần Giờ vẫn chưa có chức năng trung chuyển hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, các nghị quyết của Bộ Chính trị gần đây đã nêu rõ các quan điểm về chủ trương này. Chính phủ đã giao Bộ GTVT tập trung rà soát, bổ sung các chức năng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay, Bộ GTVT đang xem xét việc phê duyệt quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 4, quy hoạch vùng đất và cảng biển tại TP.HCM thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, trong đó có bao gồm cả Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
“Bộ GTVT cần khẩn trương rà soát và bổ sung các chức năng của một cảng trung chuyển quốc tế cho khu bến cảng Cần Giờ tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã rà soát và phối hợp với Thành phố thực hiện đúng trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác tại Cần Giờ, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là về bảo vệ rừng ngập mặn, hoàn thành trong quý I năm 2024”, Thủ tướng chỉ đạo.
Trước đó, tại Hội nghị lấy ý kiến Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do UBND TP.HCM tổ chức vào ngày 19/10, ông Phan Văn Mãi
Trước đó, tại Hội nghị lấy ý kiến Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do UBND TP.HCM tổ chức vào ngày 19/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM khẳng định lãnh đạo địa phương đã cân nhắc nghiên cứu kỹ lưỡng và trình bày chi tiết trong dự thảo Đề án về Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trình Chính phủ hồi tháng 8/2023 và cho rằng TP. HCM hoàn toàn tự tin, có đủ cơ sở pháp lý để triển khai dự án này và đây là cơ hội lịch sử của Việt Nam.
“Đây là dự án trọng điểm, vì vậy nếu thực hiện thành công sẽ ghi tên Việt Nam vào mạng lưới vận tải hàng hóa toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Chọn việc có lợi cho dân
Với vị trí gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đánh giá là có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế từ các quốc gia khác trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Philippines, khu vực phía nam Trung Quốc.
Dự kiến, gần 60% lượng hàng vận tải container đi qua Biển Đông đến năm 2023 thông qua các cảng khu vực Đông Nam Á. Sản lượng hàng container hàng trung chuyển quốc tế sẽ chiếm trên 30%. Hiện nay, hàng hóa tại các khu vực trên chủ yếu được trung chuyển tại Singapore và Malaysia. Nếu hàng hóa được trung chuyển tại cảng quốc tế Cần Giờ thì cự ly vận chuyển sẽ giảm từ 30 – 70% so với Singapore.
Trong thời gian vừa qua, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và đối tác nước ngoài liên tục tổ chức các phiên làm việc để chuẩn bị nguồn lực, xây dựng mô hình, các phương án, tiến độ, lộ trình để sẵn sàng triển khai đầu tư dự án ngay sau khi dự án được chấp thuận chủ trương và lựa chọn được nhà thầu và nhà đầu tư. Ngày 13/7/2022, lãnh đạo của hãng tàu Mediterranean Shipping Company (MSC) đã có buổi gặp gỡ với thủ tướng tại Việt Nam.
Đến tháng 9/2023, VIMC và MSC đã có buổi làm việc cấp cao giữa hai bên tại Thụy Sĩ, khẳng định cam kết và quyết tâm của hai bên trong việc thực hiện Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, quyết tâm sẽ được khởi công và tiến hành đầu tư dự án vào cuối năm 2024, đầu năm 2025.
Vì vậy, việc phê duyệt các thủ tục đầu tư liên quan đến Dự án như việc thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; phê duyệt các quy hoạch liên quan là vô cùng cấp bách và hết sức quan trọng.
Trong bối cảnh các cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực như Singapore, Malaysia đang tập trung đầu tư mạnh, có nhiều chính sách mời gọi, ưu đãi cho các hãng tàu, việc chậm trễ trong công tác thẩm định và phê duyệt các thủ tục đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cho Nhà đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự quyết tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiếp tục rót vốn thực hiện dự án, làm mất cơ hội cho ngành cảng biển nói riêng và cho quốc gia nói chung trong việc nỗ lực đầu tư xây dựng dự án.
Theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh tiến độ cho Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chính là thước đo quan trọng đánh dấu những quyết tâm mạnh mẽ, các giải pháp đổi mới và đột phá trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù dành cho việc phát triển tại TP.HCM. Theo đúng chỉ đạo của thủ tướng: Phải có tư tưởng tấn công, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, xóa bỏ các thủ tục không cần thiết, vận dụng tốt nhất có thể các nội dung có trong Nghị quyết.
“Đã đưa ra giải pháp đổi mới, đột phá thì chuyện có ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Vấn đề chính là làm sao chúng ta giải trình được các khuất mắt và thấy đó là việc có lợi cho dân cho nước thì cứ thế mà làm”, Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban chỉ đạo.
Xem thêm: Một số cảng biển có thể được áp giá khai thác container thấp hơn quy định