Trong những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, đánh dấu sự khởi sắc và kỳ vọng một năm thành công những chuyến tàu chở hàng nghìn container hàng xuất khẩu rời các cảng biển Việt Nam.
Đầy ắp những tàu hàng xuất khẩu tại các cảng biển
Ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết) cảng Quốc tế Gemalink đã đón siêu tàu ONE INFINITY có chiều dài 400m, trọng tải 22.521 DWT, sức chở 24.136 TEU. Tàu ONE INFINITY hiện đang thuộc tuyến dịch vụ FE3 của liên minh hãng tàu THE Alliance, liên minh này bao gồm các hãng tàu như Hapag-Lloyd, ONE, HMM, Yang Ming. Tại cảng Gemalink, tàu ONE INFINITY đã thực hiện xếp dỡ 3.807 container hàng hóa rồi sau đó tiếp tục hành trình tới cảng Singapore và Rotterdam (Hà Lan).
Trong ngày làm việc đầu tiên trong năm mới, lô hàng 15.000 tấn hạt nhựa xuất khẩu từ châu Âu qua cảng quốc tế Long An đã được xếp lên tàu rời cảng vào sáng 15/2.
Ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cảng Quốc Tế Long An cho biết, lô hàng xuất khẩu qua cảng ngay trong ngày phát lệnh làm hàng năm mới, đây là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển, mang theo niềm tin và kỳ vọng vào một năm kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ của Cảng quốc tế Long An.
Trước đó, ngày 13/2 (mùng 4 Tết) tại cảng Tân Cảng- Cái Mép, tàu One Aquila, có chiều dài hơn 364m và sức chở lên đến 14.052 TEU, thuộc tuyến dịch vụ PS7 của liên minh The Alliance, khai thác tuyến đường biển kết nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những container hàng xuất khẩu đầu tiên.
Tại các cảng biển TPHCM, lượng hàng hóa xuất khẩu trong những ngày đầu năm mới qua các cảng biển cũng rất sôi động. Trong tuần đầu tết Nguyên đán, cảng đón 75 chuyến tàu làm hàng với sản lượng thông qua là 72 nghìn TEU, tương đương với hơn 1 triệu tấn hàng hóa (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023). Riêng trong đêm Giao thừa, cảng Cát Lái đã đón 7 chuyến tàu container. Trong đó có lô hàng xuất khẩu được xếp trên tàu Uni Perfect chủ yếu là các sản phẩm, linh kiện điện tử. Các mặt hàng chủ lực đã góp phần đưa xuất khẩu của TPHCM năm vừa qua đạt kim ngạch hơn 42 tỷ USD. Tàu có hành trình từ cảng Cát Lái (Việt Nam) – Kaohsiung (Đài Loan) – Osaka, Kobe, Hakata (Nhật Bản) – Shang Hai (Trung Quốc) – Hồng Kông – Cát Lái. Tổng sản lượng xếp dỡ trong đêm phát lệnh làm hàng đầu Xuân Giáp Thìn đạt khoảng 7.500 TEU (tương đương 105 nghìn tấn hàng).
Sau những ngày nghỉ Tết, lượng hàng hóa XNK qua các cảng TP.HCM đang trên đà tăng trưởng, ngay trong mùng 6 Tết (15/2), gần 200 lô hàng xuất khẩu đã được đưa lên tàu và rời khỏi cảng Cát Lái. Dự báo trong những ngày tới, hàng xuất khẩu sẽ tăng cao do các doanh nghiệp đồng loạt hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán.
Cảng biển kỳ vọng tăng trưởng cao
Với sự khởi sắc từ những tàu hàng cập cảng đầu năm, các cảng biển kỳ vọng ngành XNK sẽ tăng trưởng nguồn hàng mạnh mẽ trong năm nay. Cụm cảng Tân cảng- Cái Mép với diện tích bãi 108 ha và gần 1.500 mét cầu bến, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu có sức chở 14.000 TEU, cùng hệ thống, trang thiết bị hiện đại và nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp, chất lượng cao. Cụm cảng đã và đang đáp ứng nhu cầu của khách hàng cùng các hãng tàu lớn trên thế giới. Toàn cụm cảng có sản lượng thông qua chiếm gần 60% tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Cụm cảng Tân Cảng – Cái Mép là cửa ngõ quốc gia và là điểm trung chuyển rất thuận lợi cho hàng hoá giao thương trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.
Theo ông Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Tân Cảng Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch được đề ra. Sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua các cảng trong hệ thống đạt 9,75 triệu TEU, tương đương gần 140 triệu tấn hàng hóa, tăng trưởng 1% (chiếm 56,8% cả nước, 89,5% thị phần khu vực TPHCM); xếp thứ 16 trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới.
Riêng cụm Cảng Tân Cảng – Cái Mép ghi nhận sự tăng trưởng ở mức 10% với sản lượng thông qua đạt hơn 2,7 triệu TEU, chiếm 53,2% thị phần sản lượng thông qua cụm Cảng container nước sâu Cái Mép – Thị Vải.
Phát biểu tại buổi lễ phát lệnh làm hàng đầu năm tại Tân Cảng- Cái Mép ngày mùng 4 Tết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và xác định vận tải biển là một nhiệm vụ hết sức nặng nề mà Trung ương đã giao cho bộ ngành Giao thông vận tải, trong đó có Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông, vì vậy Tân Cảng Sài Gòn phải tham gia phát triển các cảng biển để kết nối các cảng thuỷ nội địa với các cảng quốc tế lớn của nước ta; thúc đẩy và hỗ trợ các địa phương nơi có cảng biển phát triển ngành logistics tốt hơn, góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam tại thị trường quốc tế, nhất là hàng nông sản.
Việt Nam hiện có quan hệ xuất, nhập khẩu với hơn 60 thị trường lớn trên thế giới theo các Hiệp định FTA, vì vậy, khối lượng vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu rất lớn, do đó các đơn vị phải góp phần bảo đảm hàng hoá được thông suốt, tăng lợi nhuận cho hàng hoá Việt Nam,… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tân Cảng Sài Gòn phải góp phần hiện đại hoá các cảng biển và cảng thuỷ nội địa; phải xanh hoá, chuyển đổi số cảng, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm xây dựng các cảng biển thông minh, góp phần kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.